1139. NGUYỄN CAO KỲ – CANH NGỌ (1930-2011)

Nguyễn Cao Kỳ (8 tháng 9 năm 1930 – 22 tháng 7 năm 2011) là một tướng lĩnh Không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng trước khi tham gia chính trường và trở thành Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa trong chính phủ quân sự từ năm 1965 đến năm 1967. Sau đó ông làm Phó Tổng thống cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong các chính phủ dân cử sau đó trước khi nghỉ chức này năm 1971.

Ông xuất thân từ khóa đầu tiên và cũng là khóa duy nhất Sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc gia Việt Nam được sự hỗ trợ của Pháp mở ra ở miền Bắc Việt Nam vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX. Ra trường, ông gia nhập vào Không quân và tuần tự giữ từ những chức vụ nhỏ lên đến Tư lệnh Quân chủng này cho đến ngày ông tham chính. Ông từng là Thủ tướng trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (1965–1967) và Phó Tổng thống (1967–1971) của Việt Nam Cộng hòa. Từng là đồng minh rồi đối thủ của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, từng được coi là người có tư tưởng chống Cộng trong thời kỳ trước 1975.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sang Hoa Kỳ sinh sống. Tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục chỉ trích Thiệu và cộng sản. Kể từ năm 2004, Nguyễn Cao Kỳ lại được Nhà nước Việt Nam coi là biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Ông là người nhận được nhiều mô tả và bình luận rất trái chiều từ nhiều phía. Cuối đời, ông chuyển sang sinh sống tại Malaysia.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 8 tháng 9 năm 1930 tại thị xã Sơn Tây, quê làng Mai Trai, thuộc phường Quang Trung thị xã Sơn Tây, thế kỷ 19 là xã Mai Trai, tổng Thanh Vị, huyện Minh Nghĩa, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây). Ông là con thứ ba và là con trai độc nhất của ông giáo Nguyễn Cao Hiếu. Thiếu thời, ông là một học sinh giỏi, nhưng rất ngỗ nghịch. Ông học Tiểu học ở Sơn Tây hết lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) thì được cho về Hà Nội vào học ở trường Bưởi (hay trường trung học Bảo hộ – Lycée du protectorat – nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An). Năm 1950 ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài bán phần Pháp (Part I)…

Lưu vong

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và trung tướng Ngô Quang Trưởng khi chạy ra tàu sân bay Mỹ vào ngày 29/4/1975

Trong nỗ lực cuối cùng, Nguyễn Cao Kỳ phát biểu trước khoảng 6 nghìn người Thiên Chúa giáo hữu khuynh vào xế trưa ngày 25 tháng 4 năm 1975 về chuyện phòng thủ Sài Gòn, rằng “ông sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát”. Phụ nữ và trẻ con sẽ được gửi đi đảo Phú Quốc, dân Sài Gòn sẽ ở lại chiến đấu. Ông còn tuyên bố Sài Gòn sẽ trở thành một Leningrad thứ hai, nơi đã cầm cự 900 ngày trong vòng vây hãm. Việc phân phối vũ khí sẽ làm ngay, mọi người nên ở lại Sài Gòn.

Nhưng mọi chuyện không diễn ra như dự tính của ông, trước sức mạnh của đối phương, hơn nữa nhận thấy tình hình không thể cứu vãn nổi nên sau cuộc phát biểu, Nguyễn Cao kỳ lặng lẽ đi tới sân bay Tân Sơn Nhất để sắp xếp cho các máy bay di tản sang Thái Lan và đồng thời cũng bí mật ra lệnh cho một trực thăng đến đón mình. Bà Tuyết Mai và các con đã đi Honolulu trên chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ cất cánh rời căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Sáng ngày 29 tháng 4, từ Bộ Tổng tham mưu, ông đã dùng trực thăng UH.1, do chính ông lái, bay ra Hàng không Mẫu hạm Midway để di tản ra ngoại quốc, bỏ lại sau lưng những lời thề hứa chiến đấu quyết tử mà ông từng hùng hồn tuyên bố trước đó bốn ngày. Cùng chuyến bay này còn có cả tướng Ngô Quang Trưởng nguyên Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 1. Đô đốc Harris đưa tất cả sang tàu chỉ huy Blue Ridge bằng trực thăng Mỹ. Đại sứ Martin cũng xuống tàu Blue Ridge.

Khi sang đến Hoa Kỳ, ông lần lượt định cư qua các nơi: Fairfax bang Virginia, New Orleans bang Lousiana, Seattle bang Washington State, Hacienda Heights bang California và Houston bang Texas.

Theo lời tự thuật của ông với báo chí trong những lần trở về Việt Nam, ông kiếm sống bằng cách đi làm thuê trong hơn 10 năm đầu sống trên đất Mỹ.

Những năm cuối đời

Từ năm 2004–2008, sau khi sống tại Hoa Kỳ, ông đã bốn lần về Việt Nam. Ông có tư tưởng muốn hàn gắn quan hệ giữa tầng lớp Việt Kiều ngoài nước và chính quyền trong nước, xây dựng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Con gái ông, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, là một ca sĩ, luật sư và là người dẫn chương trình của cộng đồng người Việt hải ngoại. Khi trở về Việt Nam, ông được nhiều cấp cao của Việt Nam đón tiếp, đó là những người có trọng trách bên Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và cả Mặt trận Tổ quốc (Chủ tịch Phạm Thế Duyệt).

Những ngày ở Việt Nam, ông là người đóng vai trò trung gian cho Đào Hồng Tuyển, một trong những người giàu nhất Việt Nam, thành công trong một thương vụ xây dựng resort và sân golf, được báo chí tường thuật là tới 1,5 tỉ USD với một doanh nhân Mỹ.

Trong cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 15/1/2004, ông Kỳ nói: “Tôi cũng muốn nói thêm rằng những người mà giờ phút này, sau 30 năm khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để Việt Nam trở thành một con rồng châu Á.”

Ngày 22 tháng 7 năm 2011, ông qua đời tại một bệnh viện ở Malaysia sau một thời gian lâm trọng bệnh. Thi hài của ông được hỏa táng. Sau đó con gái ông là Nguyễn Cao Kỳ Duyên đem tro cốt của ông về Mỹ.

Gia tộc và gia đình

Ông nội của ông là cụ Nguyễn Cao Côn làm tới chức Thương tá (tức Thương biện hay Thương tá Tỉnh vụ) tỉnh Sơn Tây. Theo ông, thân phụ của ông sinh năm 1895 trong một gia đình Nho sỹ và làm quan chức địa phương. Thân phụ Nguyễn Cao Kỳ là cụ Nguyễn Cao Hiếu, làm nghề thầy giáo, sinh được 4 người con: 3 gái 1 trai. Ông là người con thứ tư và là con trai duy nhất. Trong hồi ký của mình mang tên Đứa con cầu tự (Buddha’s Child), ông viết: As the only boy among four sisters, I was treated like a little prince and allowed to do whatever I pleased. My three older sisters tell me that when I was a toddler, the only thing that would make me stop crying and smile was to let me smash a dish or a glass against the floor. (Là cậu bé duy nhất trong số bốn chị em. Tôi được cưng chiều như một hoàng tử và được phép làm bất kỳ điều gì mình thích. Ba người chị của tôi từng kể với tôi rằng: Khi tôi còn là một đứa trẻ chập chững biết đi, cách duy nhất làm cho tôi nín khóc và nở nụ cười là để cho tôi đập vỡ đĩa chén xuống sàn nhà.) Thuở nhỏ, Nguyễn Cao Kỳ đã từng sống tại phố Hữu Lợi, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây; nay là số nhà 51 phố Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ký sự của Lê Tuấn Vũ về chuyến hồi hương đầu tiên của ông vào tháng 1 năm 2004, có tường thuật như sau:”Chiều ngày 7/1/2004, tức 16 tháng chạp âm lịch, chỉ còn 14 ngày nữa là đến tết 2004, chúng tôi có mặt tại Thị xã Sơn Tây. Cả một con phố Ngô Quyền dài, nơi ông sinh ra và lớn lên, đang râm ran bàn tán chuyện ông được về thăm quê…”.

Ông có ba người vợ với 6 người con:

Người vợ đầu là người Pháp, lấy nhau khi ông học phi công tại châu Phi, có với ông 5 người con (4 trai 1 gái là: Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Cao Trí, Nguyễn Cao Đạt, Nguyễn Cao Tuấn, Nguyễn Cao Kỳ Vân). Khoảng năm 1962, Nguyễn Cao Kỳ đã làm thủ tục ly dị với người vợ này. (“Theo lời ông thuật lại qua hồi ký:… Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng sự ly thân và tiếp theo đó chúng tôi đã ly dị. Sau khi ly dị với vợ tôi, theo lời của một nhà báo, tôi đã hưởng được “hai năm hết sức sôi động của một người có số đào hoa”… Ông kể năm 1964, trên một chuyến bay của hàng không Việt Nam đến Thái Lan, ông đã gặp một cô chiêu đãi viên: “là một cô gái 20 tuổi, với những nét đẹp cổ kính nhất mà tôi chưa thấy bao giờ. Nàng tên là Đặng Tuyết Mai và tôi đã thuyết phục mời đi dùng cơm với tôi chiều hôm đó…”.) Như vậy, theo lời của chính ông, thì ông có khoảng 2 năm tự do trước khi có cuộc hôn nhân thứ 2 với bà Đặng Tuyết Mai.

Người vợ thứ hai là Đặng Tuyết Mai, trước khi lấy ông năm 1964 là tiếp viên hàng không của hàng không Air Vietnam. Hai ông bà sinh được duy nhất một người con gái là Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Khi sang Hoa Kỳ, (khoảng năm 1989, sau 25 năm chung sống), hai ông bà đã ly dị nhau..

Người vợ thứ ba, sống cùng ông trong những năm cuối đời, có tên là Lê Hoàng Kim Nicole. Bà này trước đó đã có một đời chồng và có bốn con riêng.

Theo danh sách các con trong bản cáo phó tiếng Việt, ông còn có một con gái nữa là Nguyễn Cao Kỳ Trang, không rõ với người vợ nào.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Cao_K%E1%BB%B3

Bình luận về bài viết này