1131. NGUYỄN HỮU CÓ. ẤT SỬU (1925-2012)

Nguyễn Hữu Có (1925–2012) nguyên là một cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên tại trường Võ bị Quốc gia do Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở miền Trung Việt Nam vào cuối thập niên 40 ông cũng là một chính khách, từng giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, đồng thời là Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (1965–1967). Ông từng là nhân vật quan trọng trong chính trường Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn các tướng lĩnh cầm quyền (1963-1967). Cuối tháng 4 năm 1975, ông tái ngũ với vai trò là người của Thành phần thứ ba để cùng với Tổng thống Dương Văn Minh tìm giải pháp cứu vãn Chế độ Việt Nam Cộng hòa. Giai đoạn sau này, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là nhân sĩ tự do. Ông được chính phủ của Đảng Cộng sản Việt Nam xem như một biểu tượng của sự hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù sau chiến tranh.

Tiểu sử và Binh nghiệp

Ông sinh ngày 23 tháng 2 năm 1925 tại Mỹ Tho, miền Nam Việt Nam giai đoạn Thuộc địa Pháp trong một gia đình điền chủ khá giả. Thời học sinh, ông theo học tại trường Quốc học Khải Định, Huế. Đến năm 1939, ông nhập học Trường Thiếu sinh quân Đông Dương Cap Saint-Jacques.

Tháng 4 năm 1943, ra trường được cấp chứng chỉ tốt nghiệp tương đương với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Ngay sau đó, ông gia nhập vào Quân đội Thuộc địa. Sau khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, ông bỏ ngũ tham gia Việt Minh một thời gian ngắn. Năm 1946, sau khi Pháp tái chiếm Nam kỳ, ông tái ngũ và tiếp tục phục vụ Quân đội Pháp cho đến ngày được cử đi học sĩ quan…

Bên lề thời cuộc

Điều trớ trêu là sau khi tướng Thi bị loại, đến lượt ông trở thành đối tượng mà tướng Thiệu và tướng Kỳ phải gạt bỏ. Năm 1967, trong khi đang đi công tác ở Đài Loan, ông bị gạt ra khỏi mọi chức vụ trong Quân đội đồng thời buộc phải giải ngũ. Ông sang Hongkong xin tị nạn chính trị, mãi đến năm 1970 mới được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho hồi hương.

Sau khi được hồi hương, ông quyết định không tham gia chính trường và mở một trại gà ở Thủ Đức để sinh kế. Bên cạnh đó, ông cũng theo học thêm các chứng chỉ về Văn khoa, Kinh tế. Với những kiến thức này, về sau ông tham gia thương trường và từng giữ chức Phó tổng giám đốc Tín Nghĩa Ngân hàng do ông Nguyễn Tấn Đời làm Tổng giám đốc. Sau khi Tín Nghĩa Ngân hàng bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa thanh tra và buộc phải ngừng hoạt động năm 1973, ông chuyển sang hợp tác với các cựu tướng từng bị ông phế truất là Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim dựng nên một xưởng sản xuất dép mềm lấy thương hiệu theo tên ghép của 4 người DOXUKICO. Ông còn có một hiệu buôn xe đạp và một tiệm chế biến khô mực xuất khẩu.

Tuy được xem là kẻ cựu thù, nhưng ông lại là người ủng hộ tướng Dương Văn Minh làm lãnh đạo của Lực lượng thứ ba tham gia chính trường. Khi tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống, ông xin tái ngũ và được cử giữ chức Cố vấn cho Trung tướng Vĩnh Lộc tân Tổng Tham mưu trưởng (thay thế Đại tướng Cao Văn Viên), đồng thời ông còn được kiêm chức Phụ tá cho cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, tân Tổng trưởng Quốc phòng trong Nội các mới thành lập của tân Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn. Ông là một trong 2 tướng lĩnh còn ở lại bên Tổng thống đến giờ phút cuối cùng của Sài Gòn (người kia là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh).

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị chính quyền mới bắt đi cải tạo đến năm 1987. Sau khi được trả tự do, ông không xuất cảnh theo diện H.O mà ở lại Việt Nam. Năm 1994, ông được Mặt trận Tổ quốc Tp Hồ Chí Minh mời tham gia như một “nhân sĩ tự do”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lần đầu tiên gặp ông, khi ông được Mặt trận Tổ quốc mời ra Hà Nội họp, đã nói: “Chào mi, ta với mi lúc trước hai đứa hai chiến tuyến nhưng nay ta đã là hai anh em”.

Đến cuối năm 2004, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là nhân sĩ tự do và là thành viên “Ban liên lạc Việt kiều yêu nước”. Ông được Chính phủ Việt Nam xem như một biểu tượng của sự hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù của 30 năm chiến tranh.

Ông từ trần tại Tp Hồ Chí Minh, vào lúc 11 giờ 38 phút ngày 3 tháng 7 năm 2012. Hưởng thọ 87 tuổi.

Những chi tiết khác

Tướng Nguyễn Hữu Có được cho là người quyết định cấp hiệu sĩ quan cấp tá của QLVNCH được gắn thêm một vạch ngang phía dưới bông mai trắng để dễ phân biệt giữa cấp úy với cấp tá.

Trong thời gian trong trại cải tạo, ông chiêm niệm về ý nghĩa cuộc đời và tìm hiểu Kinh Thánh. Ông cải sang đạo Tin Lành và nhận báp-têm vào năm 1983.

Gia đình

Phu nhân: Bà Nguyễn Thị Tín (Nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh)

Ông bà có 12 người con cả trai và gái.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu_C%C3%B3

Bình luận về bài viết này